Hậu môn trẻ sơ sinh bị đỏ: Cảnh báo bệnh áp – xe hậu môn

Trẻ sơ sinh rất mong manh và luôn cần sự quan tâm chăm sóc của các bậc phụ huynh. Quãng thời gian đầu đời của bé sau khi rời xa lòng mẹ là quãng thời gian đầy khó khăn, kể cả đối với những bé được sinh ra trong điều kiện đầy đủ cả vật chất và tinh thần. Rất nhiều trường hợp bé sơ sinh mắc những chứng bệnh quái ác ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tương lai. Thậm chí có những bé mắc bệnh khá dễ chữa và ít nguy hiểm, nhưng thiếu chăm sóc, hoặc các bậc cha mẹ chủ quan không chú ý cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hậu môn trẻ sơ sinh bị đỏ: Cảnh báo bệnh áp - xe hậu môn

Một số nguyên nhân dễ dẫn đến việc hậu môn trẻ sơ sinh bị đỏ như:

– Do khu vực hậu môn của bé không được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên. Trẻ sơ sinh thường xuyên bài tiết nhiều lần trong ngày nên rất dễ trở thành môi trường phát triển của vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây ngứa ngáy, viêm nhiễm.

– Da của trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm, rất dễ bị tấn công bởi vi khuẩn và độ ẩm. Việc thường xuyên tiếp xúc với chất thải bài tiết sẽ dễ gây kích ứng da, gây hăm đỏ, thậm chí viêm nhiễm và sưng tấy.

– Bên cạnh đó, việc sử dụng bỉm thường xuyên cũng là yếu tố tăng nguy cơ. Do chủ quan và lười chăm sóc, các cha mẹ có thể dùng bỉm và giảm bớt việc vệ sinh hậu môn cho bé, điều này rất nguy hiểm vì tiềm ẩn nhiều biến chứng, bệnh tật về hậu môn, về da…

– Một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh là hiện tượng hậu môn bị ửng đỏ, một cảnh báo rõ ràng của bệnh áp – xe hậu môn.

Áp – xe hậu môn ban đầu có thể biểu hiện qua một nốt đỏ ửng rất nhỏ, sau đó phát triển nếu không được chẩn trị kịp thời. Khi đó tại khu vực hậu môn của bé sẽ hình thành ổ viêm, sưng đỏ và có mủ.

Các bác sĩ khuyên rằng ngay khi phát hiện bất thường về sức khỏe nói chung hay vùng hậu môn nói riêng, thì phải lập tức đưa bé đến các trung tâm, bệnh viện thăm khám để có hướng điều trị.

Để các bậc cha mẹ xác định rõ và nâng cao ý thức cảnh giác, dưới đây là một số biểu hiện khác của áp – xe hậu môn.

– Hậu môn trẻ sơ sinh có thể xuất hiện mụn nhọt, sưng đỏ, có thể chảy mủ. Xung quanh hậu môn cũng có hiện tượng nóng đỏ hơn.

– Trẻ thường quấy khóc khi đại tiện hay tiểu tiện, thể hiện đau đớn cả khi nằm hay được bế.

– Nhiều trường hợp trẻ sơ sinh xuất hiện sốt cao, 39-40 độ.

– Các biểu hiện tiêu cực trong hấp thu dinh dưỡng như nôn ói, lười ăn, hoặc táo bón, hoặc đi són phân nhiều lần trong ngày…

Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ là một điều kiện tốt để chữa trị hiệu quả. Bên cạnh đó, các cha mẹ nên hạn chế dùng bỉm trong thời gian dài, tích cực vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn cho bé, luôn thăm khám tránh để ẩm ướt và lưu cữu chất thải trong tã, bỉm…