Lý do bệnh trĩ tăng đột biến ở Việt Nam
Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch ở xung quanh hậu môn bị giãn quá mức, gây viêm sưng và xuất huyết. Khi mắc bệnh trĩ, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát ở hậu môn, lâu dần sẽ đi ngoài ra máu, gây đau rát và sa búi trĩ khi đại tiện.
Trong những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh trĩ đã tăng đột biến ở Việt Nam vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Khảo sát của Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam cho biết, tỷ lệ người mắc bệnh trĩ đang chiếm 55% dân số Việt Nam, chủ yếu là bệnh nhân ở độ tuổi 40 trở lên, chiếm khoảng 60-70%.
Đặc biệt, số liệu thống kê của Bộ Y tế cho biết, số lượng bệnh nhân trĩ đang tăng mạnh ở dân văn phòng và những người thường xuyên sử dụng rượu bia.
Nhưng nguyên nhân nào đang khiến số lượng người mắc bệnh trĩ tăng mạnh ở Việt Nam trong thời gian qua?
Trước hết, những người mắc bệnh trĩ thường là những phải đứng lâu, ngồi nhiều và ít vận động như nhân viên văn phòng, lái xe, công nhân may,… Việc ngồi im một chỗ trong thời gian dài (từ 6h–8h) sẽ làm tăng áp lực ở ổ bụng, sa sàn chậu và những u bướu vùng hậu môn trực tràng, tạo điều kiện dẫn đến bệnh trĩ. Thực tế cũng đã chứng minh, tỷ lệ người mắc bị bệnh trĩ chủ yếu là nhân viên văn phòng.
Khi áp lực công việc quá lớn khiến chúng ta không có nhiều thời gian, không ít người đã áp dụng một chế ăn uống không hợp lý, không tuân thủ giờ giấc, thường tìm đến những món ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ và ăn ít chất xơ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ khiến chúng ta mắc bệnh trĩ.
Chưa kế, những áp lực rất lớn công việc và cuộc sống cũng không có lợi cho tiêu hóa, hay những công việc tay chân nặng nhọc, cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.
Ngoài ra, vì bệnh xảy ra ở vùng nhạy cảm nên một số bệnh nhân bị trĩ cũng ngại đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm mắc bệnh. Tuy nhiên, chính tâm lý ngại ngùng lại có thể khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn.
Với y học hiện đại, bệnh trĩ sẽ được kiểm soát khá dễ dàng. Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau:
Khi điều trị bệnh trĩ giai đoạn 1 và 2, người bệnh được khuyên dùng một số loại kem có chứa corticoid, chất chống co thắt, bảo vệ mạch máu, giảm viêm và đau tại chỗ.
Khi điều trị bệnh trĩ ở giai đoạn 3 và 4, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc gây xơ, phẫu thuật lạnh bằng chất cực lạnh như carbonic, nitrogen lỏng giúp làm lạnh búi trĩ và búi trĩ sẽ hoại tử vô trùng, không đau sau vài ngày. Sau 3-6 tuần thì khu vực bị trĩ sẽ lành sẹo. Nếu búi trĩ sa nhiều, người bệnh sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt trĩ.
Bên cạnh đó, trong quá trình điều trị bệnh trĩ, người bệnh cũng nên thực hiện một số khuyến cáo như uống nhiều nước,ăn nhiều chất xơ, hạn chế ăn đồ cay, nóng, chất kích thích như rượu bia, cà phê,…
Bạn cũng phải vệ sinh sạch sẽ hậu môn sau khi đi vệ sinh, hạn chế đứng lâu, ngồi lâu, hay ngồi xổm có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở vùng xương chậu, gây ứ máu tại tĩnh mạch trĩ.
Bệnh trĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng sẽ khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Để ngăn ngừa mắc bệnh, chúng ta nên vận động thường xuyên hơn bằng cách tập một số môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội,…; cũng như chú ý hơn tới chế độ sinh hoạt hàng ngày.