Nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mang thai bị táo bón

Bình thường chúng ta đi đại tiện 1-2 ngày/1 lần, nếu quá 3 ngày mới đi có thể nói là chúng ta đã bị táo bón, nếu kèm theo đó là lúc đại tiện rất khó khăn vì phân cứng, phải gắng sức mới đẩy được ra ngoài khiến hậu môn đau rát, thậm chí chảy máu.

Tình trạng táo bón nếu chỉ thỉnh thoảng xuất hiện thì không phải vấn đề cần lo lắng, nhưng nếu liên tục bị táo bón thì không chỉ là dấu hiệu của những bất thường trong tiêu hóa, mà còn là nguy cơ gây ra bệnh trĩ rất khó chịu và phiền toái sau này.

Phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng có tỷ lệ bị táo bón rất cao, có đến 90% bà bầu thường xuyên bị táo bón. Khi mang thai, thể trạng người mẹ đã có nhiều thay đổi khiến mẹ bầu vô cùng mệt mỏi, khó chịu, thêm tình trạng táo bón càng làm cho quá trình mang thai của phụ nữ khổ sở, gian nan.

Vậy tại sao phần lớn phụ nữ mang thai đều thường bị táo bón? Tìm hiểu về vấn đề này sẽ giúp các mẹ bầu hiểu được nguyên nhân và từ đó biết cách để khắc phục, ngăn ngừa tình trạng táo bón; cũng là cách giúp giữ gìn sức khỏe trong thời kỳ thai sản.

Nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mang thai bị táo bón

Nguyên nhân thứ nhất khiến bà bầu bị táo bón đó là do những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ. Khi mang thai, rất nhiều sự biến đổi xảy ra trong cơ thể người phụ nữ, trong đó có hệ tiêu hóa, làm nhu động động ruột hoạt động chậm hơn, khiến phân tích tụ ở ruột già quá lâu, trở nên cứng và gây ra táo bón.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của thai nhi lớn dần và gây chèn ép lên đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột cũng khiến cho việc đại tiện khó khăn hơn. Cùng với đó là do cơ thể nặng nề, ngại vận động và di chuyển nên vấn đề tiêu hóa của bà bầu không được kích thích để hoạt động trôi chảy như bình thường.

Ngoài ra, nhiều phụ nữ mang thai thường uống thêm thuốc bổ sung chất sắt vì thiếu máu. Đây cũng là nguyên nhân gây ra táo bón vì chất sắt có thể gây ra ức chế nhu động ruột và ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Đối với người bình thường, táo bón đã là vấn đề gây khổ sở vì sự đau đớn mỗi khi đại tiện; nhưng đối với bà bầu, táo bón còn có những hệ lụy nghiêm trọng khác, ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Cụ thể, táo bón kéo dài sẽ gây đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn gây buồn nôn và nôn, làm mẹ bầu chán ăn. Khi đó cơ thể người mẹ sẽ không nạp đủ chất dinh dưỡng cần thiết để thai nhi phát triển khỏe mạnh.

Không những vậy, táo bón còn gây ra những cơn đau bụng, có thể gây ra co thắt tử cung. Vì vậy, trong thời gian sắp chuyển dạ, nhiều khi những cơn đau bụng do táo bón rất dễ bị nhầm là những cơn đau co thắt tử cung do sắp sinh.

Táo bón còn là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai, do bụng bầu và tình trạng táo bón liên tục gây áp lực lên trực tràng và hậu môn khiến các tĩnh mạch ở hậu môn bị suy giãn, sưng phồng và hình thành các búi trĩ.

Như vậy, có thể nói bị táo bón khá phổ biến phụ nữ mang thai; tuy nhiên, chị em có thể chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày để hạn chế triệu chứng này, ví dụ như: chăm chỉ vận động để tốt cho đường tiêu hóa; uống nhiều nước; ăn thức ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa…