Cơ chế hình thành bệnh trĩ
Trĩ là những cấu trúc mạch bình thường ở ống hậu môn, có ngay từ mới sinh. Bệnh trĩ là do những cáu trúc này bị chuyển đổi sang trạng thái bệnh lý do yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu.
Một số yếu tố thuận lợi
– Rặn nhiều do táo bón, tiêu chảy, rặn nhiều khi tiểu tiện do u xơ tiền liệt tuyến, ho mạn tính.
– Ngồi lâu, đứng lâu, mang vác nặng, làm công việc nặng nhọc, thể thao nặng.
– Chèn ép khung chậu do chửa, u sinh dục, ung thư trực tràng.
Cơ chế: Có 2 thuyết được nhiều người chấp nhận.
– Thuyết mạch máu:
Vai trò của các shunt động – tĩnh mạch. Khi các yếu tố khởi bệnh trĩ tác động là các shunt mở rộng. Máu động mạch chảy vào ồ ạt làm các đám rỗi tĩnh mạch bị đầy giãn qua mức. Nếu lúc đó lại có một nguyên nhân cản trở máu về (rặn mạnh vì táo bón…) các mạch máu phải tiếp nhận một lượng máu quá khả năng chứa đựng nên giãn ra (xung huyết) và nếu quá trình này tiếp tục sẽ gây xuất huyết.
– Thuyết cơ học:
Dưới tác dụng của áp lực tăng cao khi rặn (đại tiện) các bộ phận nâng đỡ tổ chức của trĩ bị giãn nở và trở nên lỏng lẻo. Các búi trĩ sa xuống dưới và dần dần nằm ở ngoài lỗ hậu môn. Luồng máu tĩnh mạch trở về bị cản trở, trong đó luồng máu đến từ động mạch vẫn tới do áp lực cao. Quá trình đó tạo thành một vòng luẩn quẩn, lâu dài làm mức độ sa giãn trĩ càng nặng thêm.