Đi vệ sinh ra máu, dấu hiệu bệnh trĩ hay bao tử?
Một số người thường gặp tình trạng đi vệ sinh ra máu sau khi ăn nhậu dù trước đây chưa bao giờ rơi vào tình trạng này. Sau đó, những người này vẫn tiếp tục đi cầu ra máu, dù số lượng có giảm đi. Vậy đây là dấu hiệu của bệnh trĩ, hay đau bao tử?
Theo phân tích của bác sĩ chuyên khoa về hậu môn – trực tràng thì tình trạng xuất huyết tiêu hóa bao gồm xuất huyết tiêu hóa trên và xuất huyết tiêu hóa dưới. Xuất huyết tiêu hóa trên có các triệu chứng nôn ra máu, đi vệ sinh có phân sệt đen do máu sau khi đi qua dạ dày và ruột đã bị các men tiêu hóa chuyển hóa.
Xuất huyết tiêu hóa dưới lại thường đi vệ sinh ra máu đỏ tươi.
Chính vì vậy, khi đi vệ sinh ra máu thì nhiều khả năng đây là tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là bệnh trĩ và nứt hậu môn.
Xuất huyết tiêu hóa dưới là tình trạng chảy máu đường tiêu hóa từ góc tá – hỗng tràng (góc Treitz) đến hậu môn, chiếm khoảng 20% các trường hợp xuất huyết tiêu hóa và 95% có nguồn gốc từ đại trực tràng, còn lại là từ ruột non.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tình trạng xuất tiêu hóa dưới là đi vệ sinh ra phân đen, hoặc ra máu tươi, diễn biến có thể từ nhẹ nhàng không đáng kể cho đến mức độ sốc, cần phải được hồi sức.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới bao gồm: Bệnh lý túi thừa đại tràng, ruột non; Loạn sản mạch máu; U đại tràng, ruột non lành hay ác tính; Viêm đại trực tràng, ruột non; hay bệnh lý vùng hậu môn trực tràng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị xuất tiêu hóa dưới bởi một số nguyên nhân ít gặp khác như dò động mạch chủ ruột non, vỡ phình động mạch chủ bụng; Hemophilia; Giảm tiểu cầu; Dùng thuốc kháng đông; Suy thận mãn,…
Để điều trị các trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới, bạn cần ưu tiên hồi sức nội khoa , trước khi xác định vị trí chảy máu và nguyên nhân gây ra chảy máu để có phương án xử lý hiệu quả nhất.
Khi có dấu hiệu bị xuất tiêu hóa dưới, bạn nên đến bệnh viện khám để nhận sự điều trị tốt nhất từ các bác sĩ chuyên khoa và máy móc hiện đại.
Đáng chú ý, các trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa dưới sẽ chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp: Huyết động không ổn định dù đã hồi sức tích cực (truyền hơn 6 đơn vị máu); Thất bại khi can thiệp bằng nội soi; Chảy máu tái phát sau khi đã cầm máu thành công (hơn 2 lần cầm máu bằng nội soi); Cơ thể bị sốc kèm với chảy máu tái phát; Chảy máu ít, liên tục và cần truyền trên 3 đơn vị máu/ngày.
Tóm lại, dù là xuất huyết tiêu hóa trên hay xuất huyết tiêu hóa dưới, và nguyên nhân do bệnh gì thì cũng là thể hiện sự bất ổn của cơ thể, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, chúng ta nên đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế để có hướng điều trị tích cực.