Giảm nhanh đi ngoài ra máu cho người bệnh trĩ
Bệnh trĩ là một bệnh liên quan đến triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ở vùng hậu môn, trực tràng. Búi trĩ hình thành do các tĩnh mạch ở trực tràng bị quá nhiều áp lực, máu lưu thông kém, bị ứ trệ lâu ngày, khiến các tĩnh mạch bị giãn và phình to, xoắn lại ở trong ống hậu môn hoặc bị sa ra ngoài.
Một trong những biểu hiện thường thấy nhất của bệnh trĩ là tình trạng đi đại tiện ra máu. Khi trĩ mới xuất hiện, tình trạng này có thể khó nhận ra vì máu bị chảy ít; nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn, nhiều trường hợp bị máu chảy thành giọt, thành tia rất nhiều, kèm theo triệu chứng đau đớn ở hậu môn và búi trĩ bị sa hẳn ra ngoài. Thậm chí, có người chỉ đi lại, ngồi xổm cũng khiến búi trĩ lòi ra hoặc chảy máu.
Vì vậy, bệnh trĩ gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh; nhất là khi người bệnh không để ý vệ sinh hậu môn đúng cách, chà rửa hậu môn quá mạnh, hoặc mặc quần áo chật khiến sự cọ xát làm búi trĩ bị tổn thương, nhiễm trùng cũng gây ra chảy máu và vô cùng đau đớn.
Trĩ bị chảy máu nhiều và thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh vì gây ra thiếu máu. Không những vậy, búi trĩ rất dễ bị viêm nhiễm, khiến người bệnh đau rát, khó chịu, thường trực nguy cơ bị nhiễm trùng máu và các bệnh phát sinh ở hậu môn như áp xe hậu môn, nhiễm trùng hậu môn. Các cục máu sau khi bị ứ trệ và đông lại, vón cục gây đau đớn mỗi lần đại tiện và có thể gây tắc mạch, sưng phồng tĩnh mạch…
Để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu của bệnh trĩ, người bệnh cần hết sức chú ý trong cách vệ sinh hậu môn để không làm tổn thương các búi trĩ, hạn chế tình trạng chảy máu ở búi trĩ. Người bệnh không nên sử dụng giấy để vệ sinh sau mỗi lần đại tiện mà tốt nhất nên dùng nước để rửa cẩn thận và nhẹ nhàng. Cùng không nên rửa hậu môn bằng xà phòng thông thường mà nên dùng nước vệ sinh chuyên dụng cho vùng kín hoặc nước muối loãng.
Bên cạnh đó, người bệnh trĩ nên tham khảo một số cách để làm dịu tình trạng sưng tấy, viêm nhiễm búi trĩ như: ngâm hậu môn vào chậu nước ấm có pha chút muối loãng để rửa hàng ngày, giúp sát khuẩn và giảm sưng, đau rát. Chú ý là chỉ cho một lượng muối vừa phải, không quá mặn sẽ làm búi trĩ bị xót.
Cùng với các phương pháp để giảm triệu chứng viêm nhiễm, đau rát thì vấn đề thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt cũng rất quan trọng để ngăn ngừa và hạn chế bệnh tiến triển nặng từ tận gốc, bên trong cơ thể.
Bởi như chúng ta đã biết, nguyên nhân gây ra bệnh trĩ thường bắt đầu từ tiêu hóa kém nên người bệnh thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy, khiến mỗi lần đại tiện phải ngồi lâu, rặn mạnh, làm cho áp lực lên trực tràng, hậu môn tăng lên; các tĩnh mạch ở khu vực này bị giãn nở quá mức. Do đó, thay đổi chế độ ăn uống để tốt cho tiêu hóa, nhuận tràng chính là cách để giảm nguy cơ bệnh trĩ.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ làm việc, nghỉ ngơi; hạn chế ngồi lâu, đứng nhiều, mang vác nặng…để giảm bớt áp lực lên vùng bụng và trực tràng, ngăn ngừa bệnh trĩ xuất hiện và phát triển.