Mẹo vặt trị bệnh trĩ khi mang bầu
Phụ nữ khi mang bầu phải chịu nhiều áp lực, cả về thể chất lẫn tinh thần. Quá trình mang bầu, cơ thể phụ nữ xảy ra nhiều thay đổi dẫn đến những hệ lụy đối với sức khỏe, nhiều chứng bệnh hình thành trong thời gian mang thai khiến cho chị em gặp khó chịu và gây khó khăn cho sinh hoạt, vận động… Một trong những chứng bệnh phổ biến phát sinh khi mang bầu đó là bệnh trĩ.
Thực tế, bệnh trĩ có thể giảm bớt và tự hết sau khi sinh con một vài tháng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp bệnh trĩ vẫn tiếp tục là “cái đuôi” bám lấy cuộc sống của bạn, làm giảm chất lượng sống của bạn.
Về nguyên nhân gây bệnh trĩ đối với phụ nữ mang bầu thì có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là do tình trạng táo bón kéo dài suốt quá trình mang thai. Thời gian mang thai, người phụ nữ cần hấp thu lượng thực phẩm nhiều hơn trước, có khi gấp đôi so với bình thường.
Ngoài ra, các thực phẩm thường giàu dinh dưỡng khiến việc hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng có nhiều khó khăn, dẫn đến tiêu hóa gặp trục trặc và xảy ra tình trạng táo bón. Bên cạnh đó, áp lực nơi ổ bụng cũng tác động lên hậu môn trong quá trình bài tiết, điều này cũng góp phần không nhỏ hình thành nên bệnh trĩ ở các mẹ bầu.
Vậy trĩ là gì?
Bệnh trĩ, hiểu một cách đơn giản là hiện tượng giãn nở quá mức của các đám rối tĩnh mạch ở trực tràng – hậu môn hình thành nên búi trĩ. Các búi trĩ này bị kích thích khi đại tiện hay do cọ sát với phân cứng sẽ dẫn đến sưng và có thể viêm. Trĩ được phân loại thành trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội là với búi trĩ nằm bên trong thành hậu môn và trực tràng; Trĩ ngoại là búi trĩ xuất hiện ở khu vực bên ngoài xung quanh lỗ hậu môn.
Bệnh trĩ không khó phát hiện. Biểu hiện của trĩ khá rõ ràng, thường là ngứa ngáy, đau rát ở vùng hậu môn, xuất hiện các búi trĩ xung quanh lỗ hậu môn hoặc xuất hiện tình trạng chảy máu khi đi đại tiện.
Một số mẹo nhỏ có thể ngăn ngừa và giảm tác hại, thậm chí hỗ trợ điều trị được bệnh trĩ cho mẹ bầu như sau:
– Thường xuyên chủ động bổ sung nước cho cơ thể. Các bà mẹ bầu nên tránh để đến khi khát mới uống nước vì khi có cảm giác khát tức là cơ thể đã thiếu nước rồi. Việc chủ động bổ sung nước sẽ giúp cơ thể luôn luôn tươi mát và các chức năng cơ thể được cải thiện đáng kể, đặc biệt là hệ tiêu hóa.
– Tăng cường bổ sung chất xơ bằng những thực phẩm rau xanh. Các chất xơ trong thực phẩm có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa rất tốt, hạn chế đáng kể chứng táo bón.
– Hạn chế ăn những món khó tiêu hóa, tuyệt đối không dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thậm chí cà phê.
– Thường xuyên vận động cơ thể. Việc này giúp giảm nhức mỏi, giảm tê và phù nề đồng thời hạn chế áp lực gây trĩ.
– Với những trường hợp xuất hiện trĩ có thể áp dụng các mẹo như chăm chỉ tắm nước ấm, rửa hậu môn bằng nước muối pha loãng với nước ấm, tìm lá cây phỉ giã nát rồi đắp vào hậu môn…
Ngoài những mẹo nhỏ như trên (đới với trường hợp trĩ nhẹ), các bạn nên thăm khám cũng như lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia, bác sỹ có kinh nghiệm.