Nguy cơ cao mắc bệnh trĩ khi cầm điện thoại đi vệ sinh

Hiện nay, những chiếc điện thoại di động thông minh rất được mọi người ưa chuộng do có đủ những tính năng giải trí cần thiết. Vật dụng này luôn gây thu hút khiến cho ai cũng chú tâm sử dụng, khi ăn, khi uống, trước khi đi ngủ hoặc thậm chí là khi đi vệ sinh. Có một số người tỏ ra “nghiện” điện thoại đến mức dành nhiều thời gian với chúng khi đang giải quyết nhu cầu cá nhân. Họ sẵn sàng ngồi trên bồn cầu 15-30 phút để sử dụng điện thoại. Lúc này, những cơ quan trong cơ thể đang phải chịu áp lực lớn, dồn xuống hậu môn, qua thời gian có thể khiến cho bạn dễ mắc bệnh trĩ.

Bệnh trĩ là bệnh của 1 hệ thống mạch máu ảnh hưởng đến hậu môn. Đám rối tĩnh mạch khi hậu môn bị gia tăng áp lực thường xuyên dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ. Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nộitrĩ ngoại. Trĩ ngoại là khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường hậu môn – trực tràng. Trĩ nội là búi trĩ xuất phát phía trên đường hậu môn trực tràng.

Bệnh trĩ thường có 4 cấp độ, dựa trên sự phát triển của búi trĩ. Cụ thể như sau:

– Cấp độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.

– Cấp độ 2: chỉ khi đi vệ sinh và rặn thì búi trĩ lòi ra bên ngoài 1 phần nhỏ, đi xong thì búi trĩ tự thụt vào trong.

– Cấp độ 3: mỗi lần đi cầu thì búi trĩ lại sa ra ngoài, kể cả khi đã đứng lên.

– Cấp độ 4: búi trĩ gần như nằm ngoài ống hậu môn.

Nguy cơ cao mắc bệnh trĩ khi cầm điện thoại đi vệ sinh

Yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ ngoài việc bạn ngồi trên bồn cầu quá lâu thì còn có những yếu tố như táo bón, tiêu chảy, rặn quá nhiều làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch; chế độ ăn ít chất xơ; thừa cân và béo phì; gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng; u vùng tiểu khung…

Các dấu hiệu và triệu chứng của trĩ có thể bao gồm:

– Chảy máu không kèm đau đớn. Ban đầu chỉ có 1 lượng ít nhưng sau đó chảy thành tia hay thành giọt.

– Ngứa ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc.

– Đau đớn ở vùng hậu môn.

– Sưng vùng quanh hậu môn

– Có một khối nhô lên gần hậu môn

Dựa vào vị trí xuất hiện trĩ cũng sẽ có những triệu chứng riêng. Đối với trĩ ngoại, vùng da ở hậu môn dễ bị kích thích nhất. Nếu có cục máu đông xuất hiện thì sẽ có ngay những cơn đau đi kèm, đau từ nhẹ cho đến nặng. Bạn có thể sờ thấy khối nhô lên xung quanh hậu môn gây ngứa và rát. Còn đối với trĩ nội thì không gây đau, ngay cả khi máu. Bạn thường không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được búi trĩ lộ ra bên ngoài. Chỉ khi rặn thì có thể gây xước búi trĩ và làm chảy máu, gây kích thích gây ra ngứa, đau và rát.

Trĩ có thể khiến bạn cảm thấy cực kì khó chịu, gây đau đớn. Do đó, nên bỏ thói quen sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh để giảm khả năng bị trĩ, cũng như bảo vệ mình khỏi các căn bệnh về tiêu hóa.