Những điều ghi nhớ để bệnh trĩ không thành “ác mộng”
Có thể nói, bệnh trĩ thực sự là “ác mộng” đối với nhiều người, nhất là những người đang bị bệnh ở cấp độ nặng. Mặc dù bệnh trĩ có thể không ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh một cách rõ rệt; nhưng những triệu chứng của bệnh như: đại tiện ra máu, sa búi trĩ, đau rát, ngứa ngáy, viêm nhiễm…khiến người bệnh vô cùng khổ sở và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
May mắn là hiện nay có rất nhiều phương pháp để ngăn ngừa và điều trị bệnh trĩ, cũng như giảm nguy cơ bệnh tiến triển đến cấp độ nặng hơn, đến mức phải phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ.Vậy các phương pháp để giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa bệnh trĩ cụ thể như thế nào? Các bạn hãy cùng tham khảo ngay sau đây:
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: như chúng ta đã biết, bệnh trĩ thường xuất hiện khi hệ tiêu hóa của chúng ta gặp vấn đề, gây ra tình trạng táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Vì vậy, điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày là cách phòng và điều trị bệnh trĩ hiệu quả.
Chế độ ăn cần tăng cường chất xơ để tốt cho tiêu hóa, ưu tiên các thực phẩm giúp nhuận tràng. Đồng thời, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, chất ngọt, chất béo và các chất kích thích dễ gây ra táo bón.
– Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể, ít nhất 2 lít mỗi ngày, bao gồm cả các loại nước ép từ trái cây, rau củ để hỗ trợ tiêu hóa tốt, đại tiện thuận lợi.
– Ngâm hậu môn trong nước ấm: đây là cách giúp xoa dịu những cơn đau rát do hậu môn, búi trĩ bị tổn thương. Nên cho vào chậu nước ấm một chút muối để giúp sát khuẩn, phòng ngừa viêm nhiễm búi trĩ. Nên thực hiện ngâm nước ấm 2-3 lần mỗi ngày.
– Vệ sinh đúng cách: người bị trĩ sau khi đi đại tiện hoặc bình thường muốn vệ sinh hậu môn thì không nên dùng giấy hoặc khăn, cũng không nên dùng xà phòng; nên dùng nước để rửa nhẹ nhàng hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng .
– Chườm nước đá: cách dùng nước đá lạnh để chườm khu vực hậu môn sẽ giảm tình trạng sưng tấy giảm đau rát hiệu quả.
– Trang phục chất liệu phù hợp: với những người bị trĩ nặng, mặc quần áo bó chật hoặc chất liệu thô, cứng cũng có thể làm búi trĩ bị kích ứng, chảy máu và sưng đau. Vì vậy, trang phục thích hợp nên rộng rãi, thoáng mát, chất liệu mềm mại.
– Tập thói quen đi vệ sinh nhanh: nhiều người có thói quen đi vệ sinh lâu quá 5 phút, thậm chí còn mang theo điện thoại, sách truyện để đọc khiến thời gian ngồi toilet kéo dài. Điều này rất không tốt cho trực tràng, hậu môn và là một trong những nguyên nhân gây ra trĩ.
– Kê thêm tấm đệm lên ghế: đây là cách đơn giản để ngăn ngừa bệnh trĩ tiến triển nặng. Bởi tấm đệm êm sẽ giảm áp lực và ma sát lên búi trĩ khi các bạn ngồi trên ghế.
– Không cọ, gãi hậu môn: tình trạng sa búi trĩ thường khiến hậu môn bị ngứa ngáy khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh cố gắng hạn chế cọ, gãi vì có thể làm hậu môn, búi trĩ bị trầy xước sẽ càng tồi tệ thêm. Nên hạn chế ngứa ngáy bằng cách ngâm, rửa hậu môn với nước muối loãng.
– Thường xuyên thay đổi tư thế: nhiều người công việc phải ngồi hoặc đứng quá lâu đều là nguyên nhân gây ra trĩ. Vì thế, hãy nhớ thường xuyên thay đổi tư thế để giảm nguy cơ gây bệnh.
– Tập thể dục: vận động thể chất với các bài thể dục phù hợp sẽ giúp khí huyết lưu thông tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng ách tắc gây suy giãn tĩnh mạch ở bụng, trực tràng gây ra trĩ. Không những vậy, tập thể dục còn giúp nhuận tràng, tiêu hóa tốt, ngăn ngừa táo bón.
Lưu ý là người đã bị trĩ thì không nên tập các môn như đạp xe, cử tạ…
– Tập bài Kegel cho vùng xương chậu: đây là bài tập do bác sỹ Kegel người Mỹ sáng tạo ra, có tác dụng kích thích hoạt động của khu vực xương chậu, cải thiện lưu thông máu; ngăn ngừa bệnh trĩ tiến triển trầm trọng.
Cách tập: tư thế nằm hoặc ngồi, sau đó co thắt các cơ ở vùng âm đạo với nữ giới và ở xương cụt đến xương mu với nam giới; giữ co thắt trong 5-10 giây rồi thả lỏng. Lặp lại động tác 10 lần mỗi hiệp, mỗi ngày làm 3 hiệp.
– Sử dụng sản phẩm thuốc điều trị: một số trường hợp bị trĩ cấp độ nặng có thể sử dụng thêm các sản phẩm đặc trị để nhanh chóng giảm triệu chứng bệnh.