Ngừa bệnh trĩ ở người cao tuổi

Bệnh trĩ thường xuất hiện nhiều hơn ở những người trưởng thành và người cao tuổi; bởi đây là những đối tượng thường hội tụ nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nên tỷ lệ người bị bệnh trĩ khá cao ở độ tuổi này.

Những nguyên nhân thường gặp gây ra bệnh trĩ là do tình trạng tiêu hóa kém nên đại tiện bị táo bón, tiêu chảy; phải rặn mạnh hoặc ngồi lâu khi đại tiện khiến các tĩnh mạch ở vùng bụng, trực tràng bị nhiều áp lực, trở nên giãn nở, xoắn lại và sưng phồng, hình thành các búi trĩ ở trong ống hậu môn ( trĩ nội ). Nếu các búi trĩ ở phía ngoài và sa ra khỏi hậu môn là trĩ ngoại.

Với người cao tuổi, do tình trạng lão hóa nên hệ tiêu hóa kém, hay có nhu cầu đi đại tiện nhiều lần trong ngày, nếu bị tình trạng táo bón thì mỗi lần đại tiện đều phải rặn nhiều, trong khi tĩnh mạch đã suy yếu nên rất dễ xuất hiện trĩ.

Bên cạnh đó, những người từng làm công việc nặng nhọc như khuân vác; những người phải ngồi hoặc đứng lâu một chỗ; những người bị bệnh hen suyễn, ho mãn tính; phụ nữ đang mang thai; những người bị bệnh lý ở trực tràng, tử cung…đều khiến các tĩnh mạch ở vùng bụng, trực tràng và hậu môn phải chịu nhiều áp lực nên gây ra trĩ.

Ngừa bệnh trĩ ở người cao tuổi

Bệnh trĩ có nhiều cấp độ khác nhau, phân chia theo các triệu chứng của bệnh. Ở cấp độ bệnh nặng với các triệu chứng như: chảy máu nhiều khi đại tiện, búi trĩ bị sa ra ngoài khi đại tiện thì người bệnh cần nhanh chóng đi khám để được điều trị tích cực; phòng ngừa bệnh tiến triển nặng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các biểu hiện của bênh trĩ khi mới xuất hiện hoặc ở cấp độ nhẹ thường không gây đau đớn, cho đến khi búi trĩ có vấn đề biến chứng như bị sa trĩ, gây viêm nhiễm vùng hậu môn. Chính vì vậy, người bệnh trĩ thường không mấy quan tâm chữa trị ngay khi bệnh còn nhẹ mà không biết rằng nếu không điều trị kịp thời hoặc áp dụng một số cách như thay đổi thực đơn, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hàng ngày thì bệnh có thể tiến triển rất nguy hiểm.

Bệnh trĩ có thể gây ra tình trạng mất máu khi tĩnh mạch hậu môn bị giãn mỏng đến mức bị thủng, rách; khi búi trĩ phát triển quá to sẽ gây đau đớn dữ dội và để chữa trị có thể phải can thiệp phẫu thuật cắt bỏ. Không những vậy, búi trĩ sa ra ngoài rất mất vệ sinh, có thể bị nhiễm khuẩn, phát sinh ra các bệnh khác.

Do vậy, để ngăn ngừa và hạn chế bệnh trĩ tiến triển nặng, đặc biệt ở người cao tuổi; cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, điều độ. Cần ăn nhiều chất xơ, các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa, uống nhiều nước. Không ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt; không ăn mặn; không uống rượu, bia, cà phê và các chất kích thích gây khó khăn khi đại tiện.

Người cao tuổi vốn ngại vận động nên cần điều chỉnh lại sinh hoạt; chịu khó vận động thể chất phù hợp hàng ngày với các bài thể dục nhẹ nhàng; tập thói quen đại tiện đều đặn, không nên ngồi lâu, hạn chế rặn mạnh… để giảm áp lực đối với trực tràng, hậu môn, đẩy lùi các triệu chứng bệnh.