Làm gì khi bị trĩ?
Ai đã từng bị bệnh trĩ mới thấy thông cảm được cho bệnh nhân bị trĩ bởi mỗi lẫn đau, rát, chảy máu, thậm chí nhiễm trùng, bội nhiễm…
Vậy ăn uống và điều trị như thế nào để phòng chống được căn bệnh không nguy hiểm tới tính mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thường nhật này ?
Từ những thói quen không tốt…
Bệnh trĩ là do các tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng bị giãn ra, do táo bón kéo dài, viêm đại tràng, hoặc suy tĩnh mạch hậu môn… Khi trĩ xảy ra ở gần lỗ hậu môn ( phía dưới đường lược ) gọi là trĩ ngoại, khi xảy ra ở ống hậu môn ( trên đường lược ) gọi là trĩ nội. Thông thường, trĩ ngoại không gây đau, triệu chứng đau xảy ra khi có biến chứng như tắc mạch, sa trĩ nghẹt hay do các bệnh khác ở vùng hậu môn như nứt hậu môn, áp xe cạnh hậu môn. Thói quen ăn uống nhiều chất đạm, ít chất xơ, ăn ít rau, uống nhiều rượu bia, ăn đồ cay nóng…
Vì vậy, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc đúng cách có thể làm một người bị bệnh trĩ nặng giảm bằng việc uống nhiều nước và ăn thức ăn có nhiều chất xơ, các loại rau xanh, củ quả như: Chuối tiêu, bưởi, rau lang, rau dền… Ăn ít đồ chứa muối, gia vị cay, nóng, cà phê, rượu, bia, bởi các chất này dễ giữ nước lại trong cơ thể, làm các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm nặng hơn triệu chứng trĩ.
… Đến lý do bất khả kháng
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú thường bị trĩ, nguyên nhân do trước khi sinh người mẹ phải mang em bé trong bụng tạo nên áp lực lớn lên ổ bụng, thêm nữa là được uống viên sắt, ăn nhiều chất đạm để nuôi thai nhi, dùng lượng nước lớn trong cơ thể giữ trong túi ối. Trong quá trình vượt cạn, việc rặn không đúng cách làm tăng áp lực lên ổ bụng, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài. Ngoài ra, sau khi sinh, một số sản phụ thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem như: chỉ ăn cơm với thịt rặng mặn, ăn bí xanh luộc ít ăn rau, không uống nhiều nước, sợ con đi ngoài nên ăn khô để sữa cho con bú không bị loãng… Đấy chính là những yếu tố dẫn đến bệnh trĩ.
Theo các chuyên gia, tất cả những nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bụng như lao động nặng, hay những bệnh đường tiêu hóa táo bón, kiết lỵ, người làm việc văn phòng ngồi lâu hay phụ nữ vừa trải qua kỳ sinh nở đều có nguy cơ bị bệnh trĩ. Do vậy những người trong nhóm “nguy cơ” này nên tự theo dõi để phát hiện bệnh kịp thời.
Làm gì khi bị trĩ?
Trĩ khác với suy nghĩ của nhiều người – coi đây là một bệnh nhẹ, chỉ cần uống thuốc hoặc làm tiểu phẫu. Trên thực tế, trĩ nói chung, đặc biệt là trĩ độ 3, độ 4 là những phẫu thuật khá phức tạp. Khi có những biểu hiện của bệnh trĩ, các bạn nên đến các bệnh viện lớn, hoặc phòng khám chuyên khoa (trĩ, hậu môn – trực tràng) để được tư vấn và khám chữa bệnh kịp thời, hiệu quả.