Quan niệm không đúng về bệnh trĩ
Trĩ (lòi dom) rất nhiều người bị, nhưng do là bệnh kín nên thường không chịu đi khám khi có những biểu hiện đầu tiên của bệnh, từ đó dẫn dến những hiểu biết không đầy đủ về căn bệnh này. Dưới đây là một số quan niệm không đúng về bệnh trĩ.
Bị bệnh trĩ nếu ngồi quá nhiều trên bề mặt cứng
Đây là một quan niệm không đúng, thường thấy ở các bạn trẻ làm văn phòng phải ngồi nhiều. Do hiểu sai nên nhiều bạn trẻ thường lấy miếng nệm để kê xuống ghế ngồi và từ đó an tâm mình không mắc bệnh trĩ.
Trên thực tế, dù bạn ngồi ở ghế nệm hay ở mặt phẳng cứng trong một thời gian dài đều như nhau. Ngay cả khi bạn đang ngồi trên ghế nệm mềm, bạn vẫn có thể bị mắc bệnh trĩ. Lý do là việc ngồi quá nhiều sẽ gây nhiều áp lực lên thành tĩnh mạch phía dưới, do đó sẽ hình thành nên các búi trĩ.
Mặc dù vậy, bạn có thể giảm thiểu được rủi ro mắc phải căn bệnh này nếu bạn có ý thức tránh gây ra quá nhiều áp lực lên phần dưới của cơ thể. Đặc biệt, không nên ngồi quá lâu ở một tư thế, cần phải thường xuyên vận động sau khoảng 40 – 50 phút ngồi một chỗ.
Bệnh trĩ có thể trở thành hoặc là tiền đề của ung thư
Do quan niệm sai lầm này, nhiều người có tâm lý hoang mang lo sợ khi mắc bệnh. Cần phải hiểu, trĩ và ung thư là 2 căn bệnh hoàn toàn khác nhau, khả năng chữa khỏi khác nhau do đó sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.
Bệnh trĩ được hình thành khi các mạch máu, tĩnh mạch ở trĩ bị giãn nở quá mức. Ung thư xảy ra khi các tế bào trong cơ thể bị rối loạn và bắt đầu tự tái tạo một cách nhanh chóng.
Bệnh trĩ tuy không trở thành ung thư nhưng nếu để tình trạng bệnh kéo dài có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh như tắc mạch, nghẹt, nhiễm khuẩn, bội nhiễm…
Tuy nhiên, do bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng hay polyp hậu môn – trực tràng có một số biểu hiện giống nhau nên người bệnh vẫn cần phải đi khám để biết chính xác bệnh tình của mình và có kế hoạch điều trị phù hợp.